1. Tại sao phải kiểm tra sức khỏe hậu covid?
Hội chứng hậu Covid-19 là các triệu chứng tái phát, kéo dài hoặc xuất hiện các vấn đề sức khỏe mới sau khi khỏi bệnh. Hầu hết mọi người có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong vài tuần kể từ khi các triệu chứng bắt đầu. Nhưng một số người mắc Covid-19 nặng sau khi khỏi bệnh vẫn gặp các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc có các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó. Ngay cả những người bị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng có thể cảm thấy không khỏe trong một thời gian dài.
Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Mặc dù Covid-19 chủ yếu gây tổn thương phổi, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng kéo dài đối với nhiều cơ quan như tim, gan, não, thận và hệ thống mạch máu.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp sau nhiễm Covid-19:
‑ Mệt mỏi
‑ Khó thở, hụt hơi
‑ Chóng mặt khi đứng dậy
‑ Đau đầu
‑ Đau tức ngực
‑ Tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực (tim đập thình thịch)
‑ Ho, đau họng, sốt, thay đổi khứu giác, vị giác
‑ Ù tai, đau tai
‑ Đau cơ khớp
‑ Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng
‑ Chán ăn
‑ Gặp các vấn đề về giấc ngủ
‑ Thay đổi tâm trạng
‑ Khó suy nghĩ hay tập trung (sương mù não)
‑ Cảm giác tê râm ran
‑ Phát ban
Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn sau hoạt động gắng sức (tập thể dục mạnh, tập trung làm việc…)
2. Những xét nghiệm kiểm tra sức khỏe hậu covid - 19
Kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 nhằm đánh giá chức năng và chẩn đoán bệnh lý liên quan đến phổi, gan, thận, tim mạch; kiểm tra tình trạng viêm và đông máu; đánh giá sức khỏe tâm thần, từ đó có phương pháp điều trị các vấn đề sức khỏe hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
a) Đánh giá chức năng gan, thận hậu Covid-19
Xét nghiệm các yếu tố trong máu để đánh giá chức năng gan, thận. Trong đó, AST và ALT là chỉ số men gan phản ánh tình trạng tổn thương gan. Chỉ số Creatinin là giá trị quan trọng để đánh giá chức năng và bệnh lý thận. Chỉ số Ure phản ánh tình trạng chức năng gan và thận. Điện giải đồ xác định nồng độ ion điện giải trong cơ thể để chẩn đoán một số bệnh lý nhất định liên quan đến suy thận, suy tim…
b) Đánh giá tình trạng tăng đông hậu Covid-19
Tình trạng tăng đông ở bệnh nhân Covid-19 là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở những bệnh nhân Covid-19 nặng. Tình trạng tăng đông làm xuất hiện các cục máu đông hạn chế máu lưu thông, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi. Cục máu đông hạn chế dòng chảy của máu đến các bộ phận khác có thể gây tổn thương tứ chi, đường tiêu hóa hay thận.
Xét nghiệm các yếu tố liên quan đến tình trạng tăng đông như D-dimer, aPTT (thời gian thromboplastin), TQ (thời gian Quick) giúp chẩn đoán tình trạng tăng đông, cũng như dự đoán và phòng ngừa các biến chứng liên quan đến đông máu.
c) Đánh giá tình trạng viêm hậu Covid-19
Viêm là một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước các tổn thương tế bào. Tình trạng viêm trong cơ thể có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang diễn ra.
Trong đó, xét nghiệm LDH (axit lactic dehydrogenase) tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương mô trong cơ thể. Các xét nghiệm VS, hs-CRP giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng và bệnh mạn tính, cũng như các nguy cơ tim mạch tiềm ẩn.
d) Đánh giá tổn thương phổi hậu Covid-19
Phổi là cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ Covid-19. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT phổi là cách để đánh giá chức năng, tình trạng và vị trí tổn thương phổi.
e) Đánh giá chức năng tim mạch hậu Covid-19
Đã có những trường hợp người bệnh Covid-19 bị đột quỵ sau khi khỏi bệnh một thời gian. Việc đánh giá chức năng tim mạch giúp dự phòng và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ. Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng như:
- Điện tim, siêu âm tim đánh giá tổn thương trên tim và tình trạng rối loạn nhịp;
- MRI não, siêu âm động mạch cảnh, siêu âm bụng, siêu âm mạch máu chi dưới đánh giá tổn thương tăng đông dẫn đến tắc nghẽn mạch.
f) Đánh giá sức khỏe tâm thần hậu Covid-19
Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gặp ở người bị nhiễm Covid-19 hoặc chưa nhiễm Covid-19 bao giờ như: lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Những tình trạng này có thể do các tác động liên quan đến đại dịch Covid-19, bao gồm việc phải điều trị lâu dài trong bệnh viện, tình trạng suy nhược cơ thể, áp lực kinh tế, bị cô lập và không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe để quản lý các bệnh lý tiềm ẩn.
3. Ai nên làm kiểm tra sức khỏe hậu covid
Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 nếu:
- Có các triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19.
- Xuất hiện các triệu chứng bệnh mới.
- Muốn đánh giá sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Sau khi khỏi bệnh Covid-19, cần có chế độ ăn và luyện tập thích hợp để nâng cao sức khỏe và khả năng phục hồi. Hãy đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe nếu bạn cảm thấy không ổn, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy ra.
Xem thêm thông tin tại đây.