1. Chẩn đoán
1.1. Bệnh phẩm
Bệnh phẩm để chẩn đoán cúm gia cầm ở người cá thể là chất ngoáy mũi, chất ngoáy họng, nước rửa mũi họng của bệnh nhân hoặc từ tổ chức phổi của những bệnh nhân tử vong.
Bệnh phẩm khi chẩn đoán cúm ở gia cầm có thể là máu gia cầm, phân, dịch tiết ở họng, dịch dãi chảy ra ngoài...hoặc tổ chức phổi, máu của gia cầm chết.
1.2. Phương pháp chẩn đoán
Hiện có nhiều phương pháp để chẩn đoán cúm gia cầm, có thể sử dụng các test chẩn đoán nhanh, nuôi cấy phân lập virus, thử nghiệm PCR để tìm virus...
- Nuôi cấy phân lập virus: người ta phân lập virus bằng cách tiêm truyền bệnh phẩm đã xử lý vào túi ối của phôi gà 13-15 ngày tuổi. Ủ 3 ngày ở nhiệt độ 35oC, hút nước ở khoang ối ra để tìm virus bằng thử nghiệm ức chế ngưng kết hồng cầu.
- Thử nghiệm RT-PCR (reverse transcriptasepolymerase chain reaction) để xác định RNA của virus cúm A/H7N9 với cặp mồi đặc hiệu [9]. Kỹ thuật này rất nhạy nhưng đòi hỏi nhiều phương tiện và hóa chất.
- Các test chẩn đoán nhanh: để tìm kháng nguyên virus trong mẫu bệnh phẩm với các kháng huyết thanh mẫu hoặc tìm kháng thể trong máu bệnh nhân hoặc gia cầm với bộ kháng nguyên mẫu.
- Phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp để xác định sự hiện diện của virus trong nước súc họng của người bệnh hoặc gia cầm bệnh.
2. Dự phòng và xử lý
Những ngày gần đây cả thế giới như nóng lên bởi một hiểm họa có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có trường hợp nào được phát hiện nhiễm virus cúm A/H7N9, vì thế chúng ta phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp dự phòng hữu hiệu và đối phó với nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
2.1. Dự phòng chung
- Ngăn chặn việc sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, hạn chế ăn thịt và chế biến gia cầm.
- Thực hiện tốt hành vi cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y.
- Người trở về nước tư khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khoe cho cơ quan y tế địa phương.
- Dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
- Khi có các biểu hiện cúm như: ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sơ y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
2.2. Dự phòng và điều trị đặc hiệu
Trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng bị nhiễm cúm, có thể theo chỉ định của thầy thuốc mà sử dụng TAMIFLU (hoạt chất là oseltamivir phosphate), là thuốc kháng virus và chỉ có tác dụng nếu được kê đơn đúng lúc, hiệu quả rất cao. Với cơ chế tác dụng là ức chế neuraminidase, TAMIFLU ngăn chặn sự phóng thích các hạt virus ra ngoài các tế bào bị nhiễm.
Những điều không nên làm
- Không được giết mổ gà ở nhà, chợ mà chỉ được giết mổ ở những nơi có kiểm soát của các cơ quan thú y.
- Không nên mua sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, mà nên mua ở những nơi có nguồn gốc chế biến (siêu thị, chợ đầu mối lớn).
- Không ăn các món tươi sống có liên quan đến gà như tiết canh, trứng ốp-la...
- Tuyệt đối không được ăn thịt gà, vịt chết.
- Không được vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc.